Theo nhiều nguồn tin cho biết không chỉ đường bay vàng TP HCM – Hà Nội mà tất cả giá vé các chặng ngách từ phía Nam cũng tăng mạnh, có khi lên gần chục triệu đồng khứ hồi.
Tính từ ngày 25/10 – ba tháng trước Tết Âm lịch, giá vé máy bay các chặng từ Nam ra Bắc và miền trung dịp Tết Quý Mão đều tăng mạnh.
Trên đường bay vàng TP HCM – Hà Nội, vé khứ hồi đợt cao điểm, bay ngày 19/1 (28 Tết) về ngày 26/1 (Mùng 5 Tết) có giá rẻ nhất từ 5,5 triệu đồng. Trong đó, vé của Vietravel Airlines từ 6,2 triệu đồng – đã bao gồm thuế, phí nhưng đều chưa có hành lý ký gửi.
Vé của các hãng khác đắt hơn, như Bamboo Airways từ 6,9 triệu, Pacific Airlines và Vietnam Airlines từ 7,1 triệu đồng. Nếu bay vào 14/1 (23 tháng Chạp) và về ngày 26/1 (Mùng 5 Tết), giá vé khứ hồi vẫn như đợt cao điểm trên.
Ở cùng thời điểm này vào dịp Tết Nhâm Dần năm trước, giá vé chặng bay này của Tết năm nay (Quý Mão) đã tăng gấp đôi. Đầu năm nay, giai đoạn hơn nửa tháng trước Tết, khách hàng có thể mua vé khứ hồi TP HCM – Hà Nội đợt cao điểm với giá chỉ từ hơn 2,5 triệu của Vietjet; 2,8 triệu đồng của Vietravel Airlines; 3,5 triệu của Bamboo Airways và 4 triệu đồng nếu bay Vietnam Airlines.
Tết Nhâm Dần năm ngoái, dù Việt Nam không còn trong cao điểm dịch Covid-19, giá vé máy bay nội địa xuống thấp nhất so với 3 năm trước đó do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách hàng thắt chặt chi tiêu. Đến sát Tết, vé máy bay vẫn còn dồi dào, giá càng cận Tết càng rẻ hơn, trong khi những năm trước dịch khách hàng phải mua sớm vì lo hết vé.
Vé Tết Quý Mão trên chặng TP HCM – Hà Nội tăng gấp đôi năm ngoái, nhưng gần như tương đương trước dịch năm 2019. Tuy nhiên, khi đó, Việt Nam chỉ có 3 hãng hàng không, còn hiện có 5 hãng khai thác bay thương mại.
Tết năm nay, giá vé các đường bay ngách từ TP HCM ra các tỉnh miền Bắc và miền Trung còn đắt hơn các “đường bay vàng”. Vé khứ hồi chặng TP HCM – Thanh Hoá bay ngày 19/1 về ngày 26/1 của Vietjet có giá rẻ nhất từ 7 triệu đồng, của Pacific và Vietnam Airlines rẻ nhất từ 7,1 triệu đồng. Với các chặng TP HCM đi Đà Nẵng, Vinh…, giá vé khứ hồi thấp nhất cũng lần lượt 4,6 triệu và 7 triệu đồng.
“Ban đầu, hai vợ chồng tôi dự định bay từ TP HCM về Vinh từ trước Tết, nhưng đành phải lùi lịch lại sang mùng 4 Tết. Nếu theo kế hoạch đầu tiên, gia đình tôi phải mất 16 triệu tiền vé khứ hồi, còn lùi lịch lịch bay và trở lại TP HCM muộn hơn chỉ mất gần 8 triệu”, Trang chia sẻ.
Trong khi đó, Quang Anh, 27 tuổi, nhân viên một doanh nghiệp nước ngoài tại TP HCM đang tính xin nghỉ sớm vài ngày để bay sang Bangkok rồi mới trở về Hà Nội vào ngày 28 Tết, thay vì bay thẳng.
Nếu bay hành trình này, anh mất chi phí tổng cộng hơn 3,5 triệu đồng, trong đó vé bay TP HCM – Bangkok khoảng 1,8 triệu. “Bay hành trình này cũng tương tự hoặc có thể rẻ hơn bay thẳng về Hà Nội, nhưng lại có thêm vài ngày vui chơi, mua sắm ở Thái Lan, tránh được cảnh xếp hàng, chờ đợi hàng giờ đồng hồ tại Tân Sơn Nhất”, Quang Anh nói.
Theo đại diện Vietnam Airlines, từ thời điểm mở bán vé Tết là 15/8 đến 20/10, lượng khách đã đặt dịp Tết năm 2023 tăng 23% so với cùng kỳ âm lịch dịp Tết 2020 (giai đoạn trước đại dịch) và chủ yếu chọn bay từ 20 tháng Chạp đến 9 tháng Giêng.
Các đường bay có lượng khách mua vé lớn là Hà Nội – TP HCM, TP HCM – Đà Nẵng, TP HCM – Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế. Lượng khách bay du lịch tập trung ở các điểm đến Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc và đã mua vé từ khá sớm so với năm 2020 và có xu hướng tận dụng những chặng bay lệch đầu (chặng bay đông khách một chiều, chiều về có thể “rỗng” để tránh cao điểm.
Từ 6/1 đến 5/2/2023 (tức 15 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng), Bamboo Airways dự kiến tăng 15-20% tải, cung ứng hơn 1 triệu chỗ trên toàn mạng bay và sẽ tăng số lượng nếu điều kiện cho phép. Ngoài ra, hãng cũng đã lên kế hoạch tăng cường bay đêm trong đợt cao điểm.
Với Vietravel Airlines, tỷ lệ lấp đầy các huyến bay giai đoạn 7/1 đến 7/2 của hãng đã đạt trên 60%. Hãng đang tiếp tục làm việc với cơ quan quản lý để tăng tần suất chuyến bay.
Nguồn: vnexpress.net